Tác giả
TẠ XUÂN THẠC
|
|
|
Trên cây còn giọt nắng vàng
Em như tiên nữ nhẹ nhàng trong sen
Hoa đào trên đấy như ghen
Cánh hoa rơi rụng xuống bên ao nhà (Đào Sen – Nguyên Đỗ)
Mỗi độ Xuân về thì tục lệ chơi hoa đào ngày Tết ở Hà Nội nói riêng hay ở miền Bắc Việt Nam nói chung, mọi người kẻ phú quý cũng như người bình dân đều đua nhau mua hoa đào về chưng bày đón xuân, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán là lúc hoa đào nở rộ mầu hồng thắm đẹp tuyệt vời nổi bật giữa các loài hoa nên nghiễm nhiên đã trở thành loại hoa Tết chính thống của dân tộc.
Hoa đào vì có mầu hồng rực rỡ người ta thường gọi là mầu “hỷ tín” nên nó rất phù hợp với không khí vui tươi của ngày Tết, những hy vọng tràn trề của những ngày đầu năm mới để mọi người cùng chúc tụng lẫn nhau.
Khi ra định cư ở nước ngoài, dù ta đang sống ở Á châu, Âu Châu, Úc Châu, hay Mỹ Châu thì khi gần tới những ngày cuối năm, lòng ta lại bâng khuâng nhớ về dĩ vãng, và trong hiện tại nhưng không biết là mình đang bâng khuâng tiếc nuối điều gì trong quá khứ . . . Còn đây hiện tại thì lại buồn phiền truyện gì vì Tết Dương lịch nơi xứ người đến rồi lại đã qua đi trong lặng lẽ và tẻ lạt, còn xuân về Tết đến nơi quê mình thì lại nghìn trùng xa cách. Mong đợi hay mơ ước như những năm xưa chỉ còn là kỷ niệm, nhớ lại thời xưa với những cái tết thật êm đềm, dù đất nước lúc đó đất nước còn trong cơn lửa loạn nhưng mọi người vẫn bận rộn lo sắm tết. Không kể đến khi quân Cộng sản miền Bắc xua quân chiếm trọn miền Nam thì tất cả mùa Xuân thành ảm đạm, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi lánh nạn tìm tự do, hay bỏ thây trên đường vượt biển…
Gợi lại giấc mơ xưa để dẫn ta về quê hương cũ, những ngày xuân về tết đến được quây quần vui của những niềm vui của tuổi thơ. Thật khó quên những ngày sắp Tết đứng nhìn hạt mưa phùn như bụi của mùa Xuân, những giọt mưa nho nhỏ đó rơi xuống bám vào trên từng cánh cúc vàng bên thềm gió nhẹ bay. Nhưng nếu lúc đó trời đổi hướng trút xuống một cơn mưa rào, thì ta lại đã cảm thấy được mùa xuân như đang bắt đầu về trên những giậu hoa, hay ngay trên những ngọn cỏ non xanh biếc. Phố xá bỗng được nước mưa trút xuống như có bàn tay lau sạch để mọi người cùng vui Xuân. Những hàng cây trồng dọc theo hai bên hè phố như gốc phượng, gốc me, những chiếc lá non đã thấy mừng rỡ nhen nhúm ló ra, tất cả như cùng xuân mở hội. Đáng kể nhất là hoa Đào
Nhưng nhắc tới hoa Đào ta phải nhớ tới Vũ Đình Liên với thi phẩm tuyệt tác Ông Đồ Già:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Ngoại ô thành phố Hà Nội, chênh chếch về hướng tây bắc của Hồ Tây có làng Nhật Tân, là địa danh nổi tiếng về nghề trồng bích đào và đào phai. Trước Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954, tám mươi phần trăm dân làng ở đây chuyên nghề trồng đào, họ khai khẩn đến gần trăm mẫu đất, trồng hàng chục ngàn cây đào mới đủ cung ứng nhu cầu thị hiếu chơi hoa đào vào dịp Tết của dân Hà Nội.
Loại bích đào hoa to, mỗi cụm chỉ độ dăm bông, mỗi bông có 12 hay 14 cánh nhưng cũng có loại loại bông kép có tới 32 cánh, loại này người ta ít trồng vì không được ưa chuộng. Cánh hoa bích đào thì dầy có màu hồng thắm, xếp thành nhiều lớp bao bọc nhị vàng phía trong toả ra tua tủa; lá bích đào hình mũi mác mầu xanh biếc, cành thì vươn thẳng đứng. Người ta nói bích đào là loại hoa đẹp nhất, hiếm quí vì khó trồng vì nơi trồng phải có điều kiện thích hợp.
Bích đào và đào phai (đào ăn quả) xuất sứ cây giống từ bên Trung Hoa. Theo các nhà khảo cổ học về cây trồng thì người Trung Hoa biết trồng đào ít nhất cũng đã từ cả ngàn năm, bốn hay ngàn năm không chừng. Đào từ Trung Hoa các nhà trồng tỉa đem sang Trung Á (Asie Centrale), rồi vào Perse tức Iran (Ba Tư). Khoảng một thế kỷ trước công nguyên, một người tên là Alexandre Le Grand mang giống đào từ xứ Perse vào Rome (La Mã) nhưng mãi đến thế kỷ thứ 17, cây đào mới được du nhập vào Mỹ Châu.
Các nhà thực vật học đầu tiên tưởng Perse là quê hương của đào, nên đặt cho nó cái tên khoa học là Prunus persica. Sau người ta biết là đã lầm khi đặt tên ấy nhưng vì đã quen gọi lâu đời rồi nên người ta vẫn giữ nguyên tên đó thay vì phải đổi là Prunus sinensis, họ Rosacées. Ở Việt Nam ta từ nhiều đời người ta đã biết trồng đào phai lấy quả để ăn, loại đào phai này có hoa cánh mỏng và thưa, hoa màu hồng nhạt nhưng lá thì màu xanh đậm. Đào phai dễ trồng, nó mọc vươn lên rất mạnh.
Vùng Hoàng Liên Sơn có thị trấn Sa Pa là xứ sở của đào phai, nơi đây có nhiều nhà ươm giống loại đào phai để bán cho những nhà trồng đào khắp nước, dân làng Nhật Tân ngoại thành Hà Nội cũng mua giống đào phai ở đây đem về trồng, cây trồng được một năm thì có đủ sức để làm gốc ghép, khoảng tháng 11 dương lịch nhà vườn cắt một nhánh bích đào ghép vào gốc cây đào phai và khi Tết đến thì cành bích đào này cũng vừa chớm nụ xinh tươi nở hoa hồng thắm, dân làng Nhật Tân nổi tiếng với những cành đào này khi họ tung ra thị trường bán cho dân thị thành Hà Nội. Vì mỗi gốc đào phai chỉ ghép mỗi năm được có một cành nên ta có thể đếm những vết thẹo người ta tháp cho được một cành đào mỗi năm để biết số tuổi, bao nhiêu vêt thẹo là bấy nhiêu tuổi.
Ngoài đào phai và bích đào phát xuất từ Trung Hoa ra, ta còn có hoa anh đào phát xuất từ nước Nhật. Ở Nhật người ta gọi hoa anh đào là “quốc hoa”, vì dân tộc Nhật lấy hoa anh đào làm biểu tượng cho quốc gia của họ nên người ta thường gọi Nhật là xứ hoa anh đào, nó được trồng khắp nơi trên đất nước Phù Tang kể cả ở những vùng đồi núi hẻo lánh hiểm trở, du khách đến gần nơi có những ngôi chùa cổ kính rồi nhìn từ xa thì chỉ thấy mái chùa thấp thoáng ẩn hiện dưới những lùm cây đào cổ thụ mờ mờ ảo ảo như cảnh thần tiên thật nên thơ. Hoa đào nở vào mùa xuân nên cứ mỗi độ xuân về hoa đào nở thì cả môt góc trời rực một mầu hồng, tạo cho chốn thiền môn một vẻ vừa thanh tịnh vừa uy nghiêm tạo thành một chốn tôn nghiêm thần bí nhuốm đầy đạo vị làm cho lòng du khách cảm thấy đầy những xúc cảm gần cõi tiên mà xa cõi tục.
Khoảng gần ba ngàn gốc đào loại Yoshimo và Kwanzan được chở đến Hoa Thịnh Đốn do lệnh của Nhật Hoàng đại diện cho chính phủ Nhật thân tặng chính phủ Hoa Kỳ vào năm 1912, những cây này phần lớn đem trồng dọc hai bên bờ sông Potomac tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Rồi kể từ năm 1934 chính quyền địa phương nơi đây thấy dân Nhật mở Hội Hoa Anh Đào thì cũng bắt chước mở Hội Hoa Anh Đào tập tục tốt đẹp đáng yêu này của đất Phù Tang. Nhưng thay vì đi dạo ngắm hoa, ngồi thiền trà hay ca hát dưới hoa thì ở nước Mỹ lại tổ chức kiểu khác, không điềm đạm tọa thiền ngắm hoa, trái lại còn ồn ào bởi các cuộc diễn hành thi xe hoa có sự tham dư của nhiều tiểu bang về thủ đô Hoa Thịnh Đốn tham dự lẽ dĩ nhiên có các ban nhạc nổi tiếng của các khắp các tiểu bang cùng về tham dư giúp vui thật náo nhiệt tươi vui. Vẫn biết hàng năm hoa đào mở, nhưng không biết rõ ngày nào hoa đào nở rộ, vì tuỳ thuộc vào thời tiết do đó những nhà tiên đoán thời tiết phải đoán trước để định ngày lễ hội cho kịp lúc hoa anh đào nở. Năm nào chẳng may đoán lộn quẻ hay mưa tuyết hay mưa đá đột xuất làm hoa tàn lụi sớm thì những người tới dự Hội Hoa Anh Đào chỉ còn cách trơ mắt ếch ra ngắm nhìn một cách thương tiếc những cành trơ trụi tuyết bám phủ đầy hay ngắm những cánh hoa phù du bị mưa gió vùi dập tan tác bên đường.
Nhật Hoàng cũng gửi tặng nước Pháp nhiều gốc cây hoa anh đào vào đầu thế kỷ 20, những cây này được đem trồng tại Jardin des Plantes tuy chỉ vỏn vẹn vài chục cây nhưng có đủ loại, từ hoa anh đào loại cánh đơn đến loại cánh kép, có hoa loại tỏa hương hay không có hương thơm, hoa có mầu trắng hay phơn phớt hồng đến hoa có mầu hồng đậm rồi tới hoa có đỏ thẫm.Tại vườn đào trong Parc de Sceaux, có khoảng 150 cây, những cây còn sống nay đã thành cổ thụ vì được trồng từ đầu thế kỷ 20 hiện nay chỉ còn lại độ một phần ba tức là còn khoảng 50 gốc thành cổ thụ còn những cây chết thì đã được thay thế ngay bằng những cây mới nên tới mùa hoa thì vườn hoa anh đào bao giờ cũng nở rô thật xum xuê. Những cây đào trồng ở đây đều thuộc loại hoa anh đào chính gốc, nghĩa là chưa lai giống nên cây có chiều cao chừng 3 hay 4 thước, có loại hoa mọc thành chùm cánh hoa mỏng như vải lụa Hà Đông toả hương thơm ngọt ngào, nhưng phấn hồng của hoa bay trong gió cũng dễ làm khổ người bị dị ứng phấn hoa.
Tới mùa hoa nở thì cành nào cành nấy đầy hoa chi chít nặng chĩu cả cành, nhiều cành mang nhiều hoa quá nên nghiêng ngả cả xuống tận mặt đất nhìn vào ta thấy như những lẵng hoa thiên nhiên khổng lồ được đặt lên trên nền thảm cỏ non xanh vậy, trông rất mượt mà lại thật dịu dàng. Du khách mà ngồi dưới gốc cây rồi ngước nhìn lên ngọn cây thì thấy cả một trời hoa đào lồng lộng nên thơ. Du khách lại nhìn ra tứ phía, thì thấy cả một khung trời màu hồng bát ngát bao phủ khắp không gian, có thể phải kêu lên rằng “Ôi đẹp quá, tôi đang được ngắm cảnh Thiên Đàng hạ giới”!
Người ta ví kiếp hoa mong manh sớm nở tối tàn, kiếp hoa đào lại càng mong manh hơn nữa, từ lúc hoa nở đến khi hoa tàn chỉ kéo dài được chừng ba ngày, thời gian thật ngắn ngủi! Nếu nói đến cả mùa hoa anh đào thì cũng chỉ kéo dài được khoảng ba tuần lễ là tối đa. Mùa hoa anh đào bắt đầu từ đầu tháng tư, đầu tháng thì những đoá hoa khai mào đầu mùa bắt đầu nở cho đến hết tuần thứ ba là những cánh hoa cuối cùng rụng hết để vườn đào trở lại trạng thái bình thường, nhưng dù như vậy thì vườn đào vẫn có vẻ hấp dẫn riêng của nó, nhìn vào ta thấy tươi mát khi những cánh hoa bay tơi tả khắp nơi trải thảm trên nền cỏ xanh tươi nhìn bao quát cảnh vật thật nên thơ.
Cây đào được đem ví với người phụ nữ bởi vì họ yếu đuối ẻo lả như liễu yếu đào tơ.Trong chương thập tứ niên của Tả truyện, hoa đào lại được biểu hiệu cho người phụ nữ có nhan sắc diễm lệ. Truyện kể rằng nàng Tức Vỉ, vợ Tức Hầu đời Xuân Thu, có sắc đẹp chin sa cá lặn. Sở Văn Vương rất mê nàng nên tìm cách diệt Tức Hầu rồi đem nàng về phong làm chánh thất chỉ vì nàng Tức Vỉ chẳng những có dáng đi dứng thướt tha mượt mà, lại còn có dáng yểu điệu thục nữ, đặc biệt nữa là hai má nàng lúc nào cũng ửng hồng như mầu hoa đào, nên nàng được người đương thời tặng cho biệt danh “Đào Hoa Phu Nhân”.
Trong bài Đào Nguyên ký của Đào Tiềm có viết rằng: Vào đời Tấn (245-419) có một người thuyền chài chuyên nghề lưới cá ở Vũ Lăng, một hôm nọ ông thuyền chài chèo thuyền đi ngược dòng sông, thấy mặt nước có nhiều hoa đào trôi theo dòng nước đổ xuống, thuyền ông bị dòng nước chảy xiết đã đưa ông lạc vào nơi trồng mà dân địa phương trồng toàn là những cây đào, dân chúng nơi đây có cuộc sống rất thanh nhàn an vui hạnh phúc. Về sau người ta dùng danh từ “động đào”, “đào nguyên”, hay “nguồn đào” để chỉ nơi tiên cảnh mà nơi đó có thần tiên ở. Truyện cổ nước Trung Hoa có nói đến vườn đào của Tây Vương Mẫu ở tiên giới ở nơi này có hoa đào nở quanh năm, hoa sinh trái đủ bốn mùa, tương truyền rằng những ai mà được ăn trái đào tiên này sẽ trường sinh bất lão (truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng có nhắc tới chuyện này). Những bức tranh hay tượng tam đa mà ta thường thấy hình ba ông Phúc-Lộc-Thọ, ông Thọ bao giờ trên tay cũng cầm trái đào, ý nói trái đào trên tay là ông là đã thay cho lời chúc thọ. Trong tranh hay bán trong dịpTết để khách mua về treo ở nhà nhân ngày đón Xuân thì có hình thằng bé mũm mĩm, giang tay ôm trái đào tiên khổng lồ vào lòng cũng là có ý nghĩa chúc trường thọ.Còn nếu ta muốn nói về chuyện ái tình thì không thể không nhắc tới giai thoại Hoa Đào Thôi Hộ, vì truyện này đã lấy hoa đào dựng làm nền cho một câu chuyện tình lãng mạn nhất trong văn chương thi phú Trung Hoa.
Truyện kể rằng Thôi Hộ, một danh sĩ đời Đường (618-907), nhân dự ngày hội Đạp Thanh, chàng đi rong rổi rồi lạc đường đến Đào Hoa Thôn, ghé vào Đào Hoa Trang mới cảm thấy khát nước và vì tản bộ đã lâu nên cảm thấy thấm mệt. Vừa khát nước lai mệt nên đã gõ cửa trang trại Đào Hoa Trang xin nước uống. Khi ông vừa gõ cửa thì có một thiếu nữ ra mở cửa, nàng khép nép rụt rè đưa nước cho chàng. Nàng rất xinh đẹp e lệ thục nữ, hai má nàng đỏ hây hây, lại đứng dưới bóng cây hoa đào má nàng càng tươi thắm đẹp tuyệt trần. Chàng Thôi Hộ nhìn nàng thấy nàng e thẹn nên ông cũng thấy ngượng ngập, chàng đỡ bát nuớc nàng trao cho, uống xong rồi vội vã cúi đầu chào từ giã ra về. Một năm sau đến ngày hội xuân Thôi Hộ nhớ cảnh nhớ người nên chàng háo hức trẩy hội Đạp Thanh và trở lại Đào Hoa Trang, chàng đến nơi nhưng thấy cửa đóng then cài mà người thục nữ năm trước đâu chẳng thấy, chỉ thấy muôn hoa đào vẫn rực rỡ đang mỉm cười trong gió lạnh mùa đông. Cảm xúc quá chàng liền phóng bút đề một bài thơ tứ tuyệt trên cổng nhà nàng:
Khứ niên, kim nhật, thử môn trung
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Phỏng dịch:
Ngày này năm ngoái tại cửa này
Ngọc chuốt hoa đào, má đỏ hây
Nàng đi biền biệt nào ai biết
Hoa đào nơi đó vẫn cười tươi
Người thiếu nữ và thân phụ đi viếng chùa xa mãi đến xế chiều mới trở về, hai cha con chợt nhìn thấy mảnh giấy có viết mấy câu thơ ghim trên cửa, nét bút như phượng múa rồng bay, đọc lên nghe tình ý nồng nàn, nàng đoán ngay bài thơ và ý thơ là của người khách du xuân dự hội Đạp Thanh năm ngoái, nàng cảm động lắm nên sinh lòng tương tư.. Kể từ đó hàng ngày nàng có ý ngóng trông... Nhưng hết mùa hoa đào này đến mùa hoa đào khác đã trôi qua, mà chàng vẫn bặt vô âm tín nên nàng hết sức tuyệt vọng, người thiếu nữ sầu khổ ốm tương tư, dung nhan mỗi ngày một tiều tuỵ mặt nguyệt thêm xanh xao vàng võ. Cha nàng cố gắng tìm thầy tìm thuốc cứu chữa cho đứa con gái mà ông cưng chiều, nhưng mọi sự cố gắng của người cha đều không có kềt quả vì:
Nhược hữu lương y viên tuyệt mạng
Tùng lai vô dược liệu tương tư.
Phỏng dịch:
Thầy giỏi thầy cứu mạng người
Mấy khi thầy giỏi cứu người tương tư
Rồi một mùa hoa anh đào nọ cách mấy năm sau, nàng thấy mình sức khoẻ đã hao mòn không thể sống nổi để đợi chờ mối tình tuyệt vọng nên thú thật với cha già để xin tha tội bất hiếu vì công ơn sinh thành dưỡng dục đến nay chưa đền trả. Người cha nhìn con gái thân yêu đang trong cơn hấp hối mà ruột xót dạ đau, ông già nước mắt tuôn tràn nuốt lệ vội chạy đi tìm cho ra người đã đề thơ máng trên cánh cửa năm xưa thì vừa kịp lúc Thôi Hộ vừa tới đang đứng trước cửa, ông già quyết chí đi tìm cho đươc người đề bài thơ nay đã thấy người ấy nên luống cuống đến nỗi khi vừa mở cửa chạy ra đường đã đâm bổ vào một chàng dáng vẻ văn nhân đó. Thấy ông già nét mặt lão hốt hoảng, nước mắt đầm đìa, chàng hỏi cớ sự, ông già phân trần chàng hiểu ra nên liền oà lên khóc và thú nhận mình chính là kẻ đã đề thơ máng trên cửa mấy năm trước đây tên và xưng danh là Thôi Hô.
Ông lão mừng rỡ, cuống quít kéo chàng vào nhà… nhưng đã quá muộn vì khi chàng vừa đến bên giường thì cũng chính là lúc người thiếu nữ thở hắt ra những hơi thở cuối cùng, nàng trao lại cho chàng một liếc nhìn yếu đuối nuối tiếc rồi nhắm nghiền cặp mắt xinh xắn. Thôi Hộ hốt hoảng liền quì xuống bên giường, cầm lấy tay nàng, rồi áp mặt mình vào mặt nàng khóc nức nở,. nước mắt chàng Thôi Hộ vừa nhỏ xuống mặt người thiếu nữ thì lạ thay mắt nàng từ từ hé mở, nàng đã tỉnh lại, bệnh tương tư của nàng đã biến mất như một kỳ tích . Sau đó thi nhân Thôi Hộ đã trở thành thiên tình sử Hoa Đào Thôi Hộ đã khép lại ở đây, nhưng vẫn còn ghi lại đến ngày nay.
Tại Việt Nam nước ta hoa đào đã đi vào lịch sử khi kể lại rằng vào Tết năm Kỷ Dậu (1789), lúc mà vua Quang Trung đem đoàn quân từ Nam ra Bắc dể tiêu diệt quân Thanh, đoàn quân ta đã tốc thắng đại phá được 20 vạn quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung liền sai quân sĩ chọn lấy một cành bích đào đẹp nhất ở kinh thành Thăng Long, rồi sai người phi ngựa mang gấp vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân, thay thiệp báo tin mừng chiến thắng.
Trong truỵện cổ tích có kể đến Từ Thức, động Bích Đào ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, gần núi Thần Phù, là di tích một câu chuyện thần tiên. Người xưa kể rằng Từ Thức nguyên là tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh), vào ngày hội hoa mẫu đơn tại ngôi chùa sở tại, một thiếu nữ đã vô ý làm gẫy cành hoa mẫu đơn thuộc giống qúy bị chủ hoa bắt đền, nàng không có tiền đền nên khóc thút thít, chàng chạnh lòng từ tâm nên đã cởi áo khoác ngoài bán đi để giải cứu cho người thiếu nữ trót đánh gẫy cành hoa quý. Ít lâu sau đó Từ Thức treo ấn từ quan về hưởng thú điền viên ngao du sơn thủy. Một hôm hứng chí Từ Thức lên thuyền chèo chơi ngoài cửa bể Thần Phù, thấy cảnh đẹp chàng bèn ghé vào bờ núi để làm thơ vãng cảnh, rồi lạc đến một động tiên, chàng được gia đình ở tiên giới nhận làm rể, gả con gái yêu là Giáng Hương cho chàng nói là để đền ơn mà chàng đã bỏ tiền đền cành mẫu đơn bị gẫy thuở nào khi nàng từ tiên giới xuống trần gian ngao du nhân ngày lễ hội mẫu đơn.
Thế là chàng ở lại Đào Nguyên chung sống với nàng Giáng Hương, tuy vui sướng nhởn nhơ nơi tiên cảnh nhưng Từ Thức không nguôi lòng nhớ cố hương, chàng xin trở về chốn cũ. Biết không thể giữ chân chàng ở tiên giới lâu hơn được nên nhạc mẫu ban cho chàng vân hạc đưa về chốn trần gian, còn Giáng Hương trước phút từ biệt, trao cho Từ Thức một bao thư và dặn khi chàng về tới nhà ở trần gian hãy mở ra mà đọc.
Chàng cỡi vân hạc bay về đến quê, Từ Thức gặp biết bao là bỡ ngỡ vì cảnh cũ người xưa đã hoàn toàn thay đổi vì người xưa cũng không còn. Chàng hỏi thăm ông già bà cả trong làng thì có người cho biết, cụ tổ ba đời của ông ta tên là Từ Thức, đi vào núi mất tích không về đến nay đã cả 100 năm. Chàng Từ Thức bơ vơ lạc lõng như vừa từ . . . trên trời rớt xuống nên chàng tính quay lại để níu lấy cánh hạc để trở về động Đào Tiên, nhưng cánh hạc đã bay cao vút tận chân trời rồi.Nhớ đến thư vợ dặn dò, chàng ra xem mới hay trong đó nàng viết :
“Tình duyên trần tiên đã đoạn, muốn tìm lại động Đào Hoa xưa chẳng còn được nữa đâu. Chàng hãy an phận thủ thường – Ký tên: Giáng Hương”.
Một thời sau đó Từ Thức đi vào núi Hoành Sơn dẫy núi này gần Thanh Hoá rồi người ta không thấy ông trở lại nữa.Cảm hứng về sự việc đã xẩy ra trong truyện Từ Thức này, thi sĩ Tản Đà đã rung động trong nguồn cảm xúc sáng tác ra bài từ khúc “Tống Biệt” :
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi.
Cánh hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động đầu non, đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Văn Cao sáng tác bài “Thiên Thai” nhằm ca ngợi cảnh đẹp thần tiên hạnh phúc mà hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu trong truyện thần tiên của Trung Hoa, hai người cùng được vui hưởng khi lạc tới vườn hoa đào gọi là Đào Nguyên vui sướng hạnh phúc quá nên quên cả đường về; sau này hai chàng phải trở lại trần gian mà vẫn còn lưu luyến hối tiếc mãi:
Thiên Thai, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào cùng ngày tháng chưa tàn phai một lần
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên đường về
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nay tìm Đào Nguyên - Đào Nguyên nơi nao?
Ta thấy ý thơ của Tản Đà cho ta tư tưởng từ cõi tiên hướng về hạ giới là tâm lý chung của thế nhân là con người ta sống ở nơi nào dù sung sướng cách mấy thì cũng không thể quên được cố hương, họ muốn tìm về thăm lại hay khi đã về cố hương rồi thì lại muốn ở lại đó luôn. Nhưng khi mình đã ở lại đó mà cảnh cũ người xưa không còn nữa họ cảm thấy bơ vơ lạc lõng thì sớm muộn gì họ cũng lại tính chuyện bỏ nơi đó ra đi.
Tại Trung Hoa, các mầu sắc như mầu đào, mầu hoa anh đào... thường được sử dụng để tả nhan sắc của người phụ nữ. Nhưng chưa chắc có tác phẩm nào lại ca ngợi sức quyến rũ phi thường của đôi má đào người đàn bà như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, sáng tác cuối thế kỷ thứ 18 :
Áng đào kiểm đâm bông não chúng
Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành.
Bóng gương lấp ló trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa. (Cung Oán Ngâm Khúc, câu15-18)
Má đào không thuốc mà say
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long. (Cung Oán Ngâm Khúc câu 167-168)
Chỉ cần nhìn đôi má đỏ hây hây như hoa đào trên gương mặt đẹp người con gái đã làm chúa mến vua yêu vì có sức hấp dẫn mê hồn đến đỗi nhiều vua quan yêu say đắm một cách mê muội đưa đến tình trang quan thì mất thành, vua thì mất nước như chơi.
Nếu có dịp quý vị nên dành thì giờ tới tận những nơi trồng đào vào mùa trổ bông ở gần nơi quý vị đang sinh sống như ở miền Bắc VN thì thăm vườn đào làng Nhật Tân ở gần thành phố Hà nội (nếu nhà cầm quyền chưa đưa vào qui hoạch, hay lấy đất trồng đào để cất khách sạn hay làm sân Golf cho dân tư bản Nhật, Đài Loan, Đại Hàn giải trí). Các quý vị cư ngụ ở miền Nam VN thì đến viếng vườn đào của thành phố Đà Lạt thơ mộng.(nhưng trước khi đến hãy hỏi dân địa phương xem vườn đào Đà Lạt có còn hay đã mất). Nếu ở Hoa kỳ thì đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ở Pháp thì đến vườn đào Parc de Sceaux hoặc Jardin des plantes, khi đến bất cứ vườn đào nào thì nên để cả tâm trí tận hưởng tất cả những vẻ đẹp của nó: Như khi nhìn xa ta thấy mầu hoa rực rỡ, đến gần hơn ta thấy cây hoa, cành hoa, nếu đến gần hơn nữa ta thấy cánh hoa , nhị hoa, và nếu mình có khiếu biết nhìn một cách sâu sắc thì chỉ một cánh hoa cũng đủ hàm chứa cả tinh hoa của tạo hoá sáng tạo vì trong đó chẳng những có sự hiện diện của ánh sáng mặt trời, ánh lung linh của trăng sao và tinh tú, còn có cả gió mưa sương tuyết, đất nước và cả người làm vườn và sư hiện diên của chính chúng ta. Thực như vậy vì nếu chúng ta không có ý thức gì về cánh hoa đó thì nó đối với chúng ta như chưa từng hiện hữu, có cũng như không nói chi đến những sự mầu nhiệm kia.
Vườn hoa đào có vẻ đẹp tinh khiết, nó cho ta hoa, đào phai còn cho ta quả ngon ngọt đó là một ân sủng của Thượng Đế ban cho. Cảnh đẹp tươi thắm tinh khiết làm cho mắt ta thư giãn, tâm hồn ta thanh thản, nó giúp chúng ta sống vui, sống khoẻ với tâm hồn thanh cao mà ta tưởng như đang được sống trong thiên đường hạ giới vậy.
|
|